Chúng ta thường nhầm lẫn giữa hai thuật ngữ: “nhà lãnh đạo và người quản lý”, dù đôi khi, trong vài trường hợp chúng có thể thay thế lẫn nhau. Tuy nhiên, nhà quản lý giỏi không nhất thiết là người lãnh đạo vĩ đại và ngược lại nhà lãnh đạo có thể không thực hiện chức năng quản lý.
Khái niệm nhà lãnh đạo và người quản lý
Nhà lãnh đạo là người có tầm nhìn xa, luôn khuyến khích và động viên những người xung quanh, đồng thời nhìn thấy tiềm năng phát triển của từng cá nhân. Họ thường xuyên tạo ra các thay đổi tích cực bằng cách mang đến nhiều thách thức cho đội nhóm. Ngoài ra, nhà lãnh đạo còn là những nhà huấn luyện xuất sắc, có khả năng hướng dẫn kỹ năng chuyên môn và duy trì năng lượng tích cực trong tổ chức.
Quản lý hay còn được biết đến với thuật ngữ Manager. Đây là những người chịu trách nhiệm về khía cạnh quan trọng của dự án, công việc, một đội. Công việc của các nhà quản lý là làm kế hoạch, tổ chức và điều phối và giải quyết vấn đề của tổ chức, thông qua việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực khan hiếm trong một môi trường thay đổi, nhằm đạt các mục tiêu đã đề ra.
Các kỹ năng cần thiết của nhà lãnh đạo và quản lý
Kỹ năng lãnh đạo hàng đầu
Nhà lãnh đạo hiệu quả là người hỗ trợ doanh nghiệp phát triển đúng hướng. Họ biết cách chia sẻ mục tiêu và truyền cảm hứng cho các thành viên trong tổ chức, hướng đến bức tranh toàn cảnh về những điều sẽ đạt được trong tương lai. Do đó, mỗi nhà lãnh đạo đều sở hữu các kỹ năng chính sau đây:
- Động lực: người lãnh đạo mạnh mẽ luôn thúc đẩy nhân viên đạt được những gì họ nghĩ là không thể, bằng cách sẻ chia năng lượng và sự nhiệt tình đến các thành viên.
- Sáng tạo: nhạy cảm với các thay đổi và thách thức bên ngoài là yếu tố cần thiết của các nhà lãnh đạo, vì vậy sáng tạo không ngừng giúp họ theo đuổi mục tiêu tốt hơn, nhưng họ không đơn thuần chỉ tập trung vào sự sáng tạo của chính mình mà còn hỗ trợ và nuôi dưỡng sự sáng tạo của nhân viên.
- Huấn luyện: nguyên lý của lãnh đạo là giúp nhóm/tổ chức phát triển hết khả năng có thể. Để làm được điều này, các nhà lãnh đạo luôn hướng dẫn và đào tạo thay vì chỉ định công việc cho từng thành viên.
- Giải quyết vấn đề: là kỹ năng quan trọng trong quá trình ra quyết định, vì vậy nhà lãnh đạo phải có khả năng giải quyết các vấn đề cấp chiến lược và khái niệm.
- Chấp nhận rủi ro: một phần của việc nắm giữ vai trò lãnh đạo là biết khi nào chấp nhận rủi ro và đâu là thời điểm nên khuyến khích các thành viên trong nhóm chấp nhận rủi ro. Các nhà lãnh đạo giỏi nhất thách thức hiện trạng để thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong tổ chức.
Các kỹ năng chính của nhà quản lý
Nhà quản lý giỏi là người cung cấp sự rõ ràng và định hướng trong nhóm. Họ như xương sống và hoạt động như bộ máy hỗ trợ các thành viên trong tổ chức. Tương tự con tàu, nếu các nhà lãnh đạo là người luôn nhìn về phía chân trời, thì các nhà quản lý là người đọc bản đồ.
Các kỹ năng chính của quản lý gồm:
- Nhận xét: các nhà quản lý tuyệt vời hỗ trợ phát triển kỹ năng của từng cá nhân trong nhóm thông qua hoạt động nhận xét, phản hồi và hướng dẫn mang tính xây dựng.
- Phát triển chuyên môn: ngoài thúc đẩy nhóm hoàn thành tốt các công việc chính, nhà quản lý còn đưa ra lời khuyên và hướng dẫn các thành viên xác định mục tiêu, mục đích trong mỗi hạng mục, từ đó bổ sung kiến thức và phát triển hơn trong từng dự án.
- Phân việc: người quản lý giỏi là người không tự mình hoàn thành tất cả công việc mà là người biết cách phân chia hạng mục phù hợp cho từng cá nhân.
- Tổ chức và lập kế hoạch: 2 kỹ năng quan trọng của một dự án bất kỳ. Với những kỹ năng này, người quản lý có thể cung cấp cái nhìn tổng quan về công việc sắp tới và hỗ trợ các thành viên điều chỉnh thứ tự ưu tiên cũng như thời hạn hoàn thành.
- Giải quyết vấn đề: tương tự như các nhà lãnh đạo tài ba, nhà quản lý giỏi cũng cần năng lực xử lý vấn đề. Nhưng có phần khác hơn trong lãnh đạo, nhà quản lý thường tập trung giải quyết các vấn đề làm cản trở công việc và thay đổi dòng thời gian hoàn thành dự án trong nhóm.
- Xây dựng đội nhóm: nhà quản lý không chỉ biết nhìn vào từng cá nhân mà còn phải nhận ra giá trị của nhóm. Bất cứ khi nào có thể, hãy tổ chức các hoạt động giúp nhóm khắn khít hơn. Khi các thành viên trong nhóm hiểu nhau, họ sẽ thoải mái hơn khi hợp tác và làm việc cùng nhau.
Mối quan hệ giữa nhà lãnh đạo và nhà quản lý
Để một tập thể phát triển nhanh chóng và bền vững thì cần có cả lãnh đạo và quản lý. Lãnh đạo là nhân trị còn quản lý là pháp trị. Và một tổ chức, doanh nghiệp thì cần cả hai điều đó.
Quản lý gây tác động đến một nhóm người để đạt được mục tiêu công việc thì họ đang làm một lãnh đạo. Và ngược lại, khi lãnh đạo dấn thân để lập kế hoạch, kiểm soát đội ngũ nhân viên thì họ đang làm một quản lý. Cả hai vị trí này đều cố gắng xử lý các tác động, ảnh hưởng của mình đến một nhóm cá nhân để có thể đạt được mục tiêu đã đặt ra.
Vậy nếu tổ chức có lãnh đạo giỏi và quản lý kém có được không? Ngược lại, quản lý giỏi nhưng lãnh đạo không có năng lực thì sao? Câu trả lời tất nhiên là không. Một doanh nghiệp cần có sự kết hợp hài hòa, cân bằng giữa tài lãnh đạo và quản lý để mang lại hiệu quả cao nhất trong kinh doanh. Vì vậy, lãnh đạo và quản lý phải song hành với nhau. Mặc dù chúng không giống nhau, nhưng chúng liên kết chặt chẽ và bổ sung cho nhau. Việc phân biệt lãnh đạo và quản lý rõ ràng về nhiệm vụ, vai trò, công việc của họ trong doanh nghiệp là vô cùng cần thiết. Nó tạo ra sự thành công trong môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp và không ổn định hiện nay.
Điểm khác biệt giữa nhà lãnh đạo và quản lý
Các nhà quản lý và lãnh đạo sở hữu rất nhiều điểm chung, nhưng họ thường tiếp cận vấn đề theo các cách khác nhau. Dưới đây là những cách mà nhà lãnh đạo và quản lý xử lý trong một tình huống nhưng khác nhau về chức năng.
Về tầm nhìn
Lãnh đạo là vị trí có tầm nhìn chiến lược, dài hạn. Người đảm nhận được chức danh lãnh đạo phải là người nhạy bén, linh hoạt, đưa ra những chiến lược đi trước thời đại để tạo sự đột phá. Đồng thời, kịp thời ứng phó trước những biến động của thị trường.
Còn nhà quản lý cần có tầm nhìn chiến thuật, biết cách xử lý công việc nhanh chóng, chính xác trong thời gian ngắn. Nhà quản lý cần có kỹ năng dẫn dắt, tổ chức các nhân viên cấp dưới. Đồng thời, là người duy trì vận hành những quyết sách mà ban lãnh đạo đã đề ra.
Về phong cách lãnh đạo
Đây là cách phân biệt rõ nhất giữa lãnh đạo và quản lý nhận thấy khác biệt rõ. Lãnh đạo sẽ sử dụng phong cách lãnh đạo chuyển đổi. Theo đó, vị trí lãnh đạo sẽ truyền cảm hứng cho cấp dưới để họ thay đổi hành vi và đạt được mục tiêu đã đề ra. Người lãnh đạo cũng có thể cung cấp cho nhà quản lý, nhân viên những công cụ, kiến thức để đạt được kết quả.
Quản lý sẽ thực hiện lãnh đạo theo phong cách giao dịch. Người quản lý sẽ sử dụng phần thưởng, hình phạt để động viên nhân viên làm việc. Thông qua việc kiểm soát bằng các quy định cụ thể sẽ giúp nhà quản lý sâu sát hơn và đạt được thành công dễ dàng hơn.
Biến ý tưởng thành hiện thực
Các nhà lãnh đạo không chỉ tập trung vào việc thực hiện, họ còn tập trung vào tối ưu hóa các ý tưởng. Ưu tiên của họ là suy nghĩ về các chiến lược lâu dài, chia sẻ chúng với những người liên quan và thúc đẩy hoàn thành để mang lại giá trị cho tổ chức.
Ngược lại, nhiệm vụ của nhà quản lý là tập trung vào việc làm thế nào để biến ý tưởng thành hiện thực. Cụ thể, họ đi phân tích dự án, phân bổ nguồn lực và thiết lập ngân sách phù hợp. Đồng thời, họ cũng hỗ trợ và hướng dẫn thực hiện từng công việc thông qua quản lý các mục hoàn thành hàng ngày. Cuối cùng, một người quản lý giỏi sẽ trao quyền cho các thành viên trong nhóm hoàn thành công việc có tác động cao.
Về vai trò trong công việc
Mặc dù đều là những người ở vị trí đứng đầu, nhưng vai trò, trọng trách của lãnh đạo và quản lý có sự khác nhau. Lãnh đạo là những người đề ra các ý tưởng, còn nhà quản lý sẽ tiến hành thực thi các ý tưởng đó.
Nhà lãnh đạo luôn cần phải tìm ra những hướng đi mới, trong thời gian dài. Người quản lý sẽ triển khai các định hướng này thành hành động cụ thể, trong thời hạn ngắn. Đồng thời, đề ra các giải pháp để giảm thiểu một cách tối ưu những rủi ro và hoàn thành theo đúng kế hoạch.
Phát triển văn hóa tổ chức
Văn hóa tổ chức là cách gắn kết và làm cho nhân viên cảm thấy gắn bó, được hỗ trợ và trao quyền trong từng công việc thường nhật. Đầu tư vào văn hóa công ty thông qua các trò chơi xây dựng nhóm, cơ hội học hỏi và phát triển, cũng như quy trình làm việc tích cực có thể khiến nhân viên cảm thấy hạnh phúc và giữ chân họ lâu hơn.
Về nội dung và chức năng
Phân biệt lãnh đạo và quản lý cho thấy vị trí lãnh đạo sẽ thực hiện nhiệm vụ xác định phương hướng, mục tiêu, định hướng chủ trương, đề ra chiến lược, điều hòa, phối hợp các mối quan hệ. Đồng thời, động viên, thuyết phục tập thể.
Quản lý chủ yếu thực hiện việc xây dựng kế hoạch, sắp xếp, tổ chức chỉ đạo điều hành và kiểm soát hoạt động. Manager có quyền hạn đặc biệt được phân quyền độc lập, tự chủ động áp dụng yêu cầu cấp dưới phải chấp hành tuyệt đối.
Vậy nhà lãnh đạo và quản lý tham gia vào quá trình này ở đâu?
Công việc của nhà lãnh đạo là hình thành và tạo ra văn hóa công ty. Còn người quản lý là người tiếp nhận và áp dụng văn hóa được đưa ra. Ngoài ra, người quản lý có trách nhiệm đại diện cho nhu cầu của nhóm ở cấp độ tổ chức. Một khi quản lý chia sẻ phản hồi, công việc của nhà lãnh đạo là tiếp nhận, xem xét và áp dụng phản hồi vào các quy trình của công ty để cải thiện văn hóa nếu phù hợp. Lắng nghe và giải quyết phản hồi của nhóm là một phần quan trọng của văn hóa công ty lành mạnh – nhưng theo Anatomy of Work Index, chỉ có 15% nhân viên tri thức hiện cảm thấy hoàn toàn được tổ chức của họ lắng nghe.
Nhà lãnh đạo là người có ảnh hưởng tích cực đến những người xung quanh trong từng hành động, định hướng và chiến lược. Nhà lãnh đạo cũng không nhất thiết phải nắm giữ một chức danh công việc cụ thể. Cuối cùng, cả các nhà lãnh đạo và quản lý nên hướng tới việc tiếp tục cải thiện các kỹ năng hợp tác và giao tiếp để hỗ trợ tốt hơn trong vai trò của họ tại doanh nghiệp.
Nếu bạn cảm thấy mình phù hợp với vai trò người quản lý hoặc nhà lãnh đạo nhưng còn thiếu chuyên môn kinh doanh, hãy tham gia ngay khóa học MBA Online của Pi Institute để bổ sung kiến thức toàn diện nhanh nhất, comment thông tin bên dưới, chúng tôi sẽ liên hệ tư vấn chi tiết.