Success in Business là chuỗi sự kiện trực tuyến được tổ chức bởi Pi Institute với mong muốn giúp đỡ doanh nghiệp Việt tháo gỡ khó khăn, vượt qua khủng hoảng, chuẩn bị cho một trạng thái “bình thường mới”.
Góp mặt trong sự kiện Success in Business số 1 : Quản trị rủi ro, chinh phục cơn hoảng loạn, ông Đoàn Đình Hoàng là một trong những chuyên gia dày dặn kinh nghiệm tại Việt Nam chia sẻ quan điểm cũng như những bài học quý giá mà ông tích lũy trong thời gian hoạt động trong lĩnh vực marketing, đặc biệt là về cuộc cách mạng chuyển đổi số trong thời đại kinh doanh phức tạp ngày nay.
Ông là nhà sáng lập chuỗi cửa hàng cà phê Passio và Guta, đảm nhận nhiều vị trí quản lý cấp cao tại nhiều công ty lớn: Tổng công ty kỹ thuật dịch vụ dầu khí Việt Nam, Công ty phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa, Tân Việt, SMC (Nhà phân phối thép hàng đầu Việt Nam), Chứng khoán Thăng Long, Công ty Thủy sản Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp).
Chủ đề Success in Business #1: Quản trị rủi ro – Chinh phục cơn hoảng loạn
Tại buổi hội thảo trực tuyến, ông Đoàn Đình Hoàng đã chia sẻ kiến thức và phương pháp giúp doanh nghiệp sẵn sàng cho hành trình chuyển đổi số vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19, ông cho rằng mục đích của việc chuyển đổi số nhằm:
- Duy trì năng suất trong đại dịch qua các giải pháp “chuyển đổi kỹ thuật số”
- Chống gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp trước những rủi ro, khủng hoảng
- Giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển dài hạn
- Sử dụng công nghệ để làm đòn bẫy đạt được sự hài lòng về tài chính, chinh phục thị trường trong trạng thái “bình thường mới”
Hiện tại đang có những giải pháp gì và những giải pháp này sẽ có lợi như thế nào cho khách hàng đặc biệt là các doanh nghiệp B2C, hoạt động trong lĩnh vực phân phối đồ ăn, thức uống đã chế biến, đóng gói xong thành phẩm?
Kết quả của mỗi giải pháp được đo lường bằng kết quả doanh thu và chi phí, giải pháp nào mang lại kết quả to lớn và tối ưu chi phí cho doanh nghiệp thì được đánh giá là một giải pháp tốt. Nhưng giải pháp được áp dụng đối với mỗi doanh nghiệp còn tùy thuộc vào mức độ quy mô và quyết định của người điều hành doanh nghiệp về việc quản lý các rủi ro, nguồn lực đầu tư, phát triển các chiến lược kinh doanh dài hạn hay giải pháp phù hợp với mục tiêu ngắn hạn theo từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp.
Giải pháp nào giải quyết được bài toán mô hình B2C về làm sao cung cấp được nhiều sản phẩm cho người tiêu dùng với chi phí thấp nhất và lợi nhuận cao nhất, để làm được điều này, doanh nghiệp nên quan tâm đến các mô hình bán hàng kỹ thuật số trong thời đại kinh doanh ngày nay để đảm bảo sự an toàn cho khách hàng trước dịch Covid-19: haravan, kios việt, salesforce, tự xây, sử dụng Platform Tiki, Amazon, Momo, Baemin, …
Làm sao để các loại hình kinh doanh ở mạch cuối của chuỗi cung ứng như nhà hàng, cà phê, khách sạn, hệ thống bán lẻ..v..v… có thể thực sự tồn tại tốt và phát triển khi dịch covid chưa thể chấm dứt trong thời điểm hiện tại và có thể là cả tương lai gần?
Định nghĩa về sự tồn tại trong kinh doanh là một doanh nghiệp có đủ sức khỏe tài chính để thanh toán các nghĩa vụ về công nợ, duy trì chi phí vận hành doanh nghiệp. Nếu một doanh nghiệp không đảm bảo được “sự tồn tại” thì buộc phải đóng cửa, giải thể, phá sản thôi. – Ông Đoàn Đình Hoàng chia sẻ.
Vậy kết quả của bài toán trên đã rõ, các chủ doanh nghiệp phải đảm bảo được sức khỏe tài chính, tiền tệ của doanh nghiệp mình, hoàn thành nghĩa vụ thanh toán chi phí đến hạn và duy trì dòng tiền để vận hành doanh nghiệp.
Những doanh nghiệp không đảm bảo được thanh toán chi phí trong thời kỳ Covid-19 có nên đóng cửa luôn thay vì chuyển đổi sang một loại hình kinh doanh khác không? Hay doanh nghiệp nên có những giải pháp chiến lược, hành động nào để duy trì hoạt động kinh doanh? Theo diễn giả, hành động nào sẽ hợp lý trong bối cảnh này?
Ông Đoàn Đình Hoàng thẳng thắn chia sẻ về câu hỏi trên như sau: “Đóng cửa doanh nghiệp là điều mà không một chủ doanh nghiệp nào mong muốn, nhưng trong bối cảnh hiện tại các chủ doanh nghiệp phải đưa ra các quyết định chiến lược để giải quyết bài toán chi phí – lợi nhuận phù hợp với từng doanh nghiệp’
Tôi cho rằng việc đóng cửa hay áp dụng các giải pháp chuyển đổi, phát triển chiến lược kinh doanh mới thì chỉ có chủ doanh nghiệp, các nhà quản lý cấp cao của mỗi doanh nghiệp mới có thể trả lời được. Vì chỉ có chính những nhà lãnh đạo doanh nghiệp mới hiểu rõ doanh nghiệp của mình có đảm bảo được nguồn lực, năng lực nhân sự, sở trường hay sở đoản của mình, khi đó các nhà lãnh đạo sẽ nhận định rõ ràng đâu là cơ, đâu là nguy với doanh nghiệp trước tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay.
Dưới góc nhìn của diễn giả, làm thế nào để các doanh nghiệp F&B có thể phát triển doanh thu mạnh mẽ để bù lỗ trong suốt thời gian giãn cách vừa qua nhưng đảm bảo rằng vẫn duy trì được lượng khách hàng hiện có?
Đối với tôi, bù lỗ có nghĩa là doanh nghiệp thu không đủ chi, cần có tài chính khỏe mạnh để sẵn sàng bù đắp vào những khoản doanh thu thấp hơn chi phí của doanh nghiệp. Vậy thì doanh nghiệp cần phải dùng đến những biện pháp huy động vốn để trả các khoản chi phí cần được giải quyết: phát hành cổ phiếu để huy động vốn từ các cổ đông chiến lược, thanh lý tài sản để bồi đắp vào tài khoản tiền mặt của doanh nghiệp để trả hoặc bù đắp các khoản chi phí cần thiết.
Để trả lời vế sau của câu hỏi này, tôi cho rằng việc mất khách hàng không chỉ đến từ thời gian giãn cách xã hội do Covid-19, có rất nhiều khả năng khiến khách hàng từ bỏ một thương hiệu bao gồm cả các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về các nguyên nhân chủ quan thì doanh nghiệp có thể nhận biết và chủ động thay đổi, khắc phục để duy trì lượng khách hàng hiện có. Còn các nguyên nhân khách quan chỉ có thể áp dụng các giải pháp làm hạn chế, né tránh chứ không thể thay đổi từ bên trong doanh nghiệp.
Trong các giai đoạn khó khăn, chi phí marketing sẽ bị cắt giảm đầu tiên. Quan điểm của ông về việc này như thế nào? Và ông có gợi ý gì cho các doanh nghiệp để vừa tối ưu chi phí vừa thực hiện được các chiến dịch marketing bài bản?
“Tôi cho rằng không hẳn chi phí marketing sẽ được cắt giảm trong giai đoạn khó khăn của doanh nghiệp” – Nhà sáng lập chuỗi cà phê Passio cho biết. Quan điểm cá nhân của tôi là việc phân bố chi phí marketing phải tùy thuộc vào quy mô, chiếc lược, mục tiêu kinh doanh của từng doanh nghiệp mà các doanh nhân có thể đưa ra quyết định.
Ông Đình Hoàng nhấn mạnh “Trong giai đoạn khó khăn, có doanh nghiệp vẫn đang “run tay” về việc chi trả cho các chi phí marketing nhưng bên cạnh đó vẫn có các doanh nghiệp khôn khéo, tìm cách bứt phá, rút ngắn khoảng cách để thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số, hướng đến một nền kinh tế không chạm. Tùy thuộc vào mô hình kinh doanh của mỗi doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo sẽ quyết định hình thức phát triển phù hợp.”
Bài viết hôm nay của chúng tôi hân hạnh cung cấp đến quý khán giả những chia sẻ của Đoàn Đình Hoàng – cái tên quen thuộc trong lĩnh vực marketing và cố vấn xây dựng thương hiệu tại thị trường Việt Nam và giải đáp các câu hỏi được gửi đến ông trong buổi hội thảo trực tuyến Success in Business số 1 : Quản trị rủi ro, chinh phục cơn hoảng loạn ngày 20/11/2021 vừa qua.