Quản trị chiến lược là lộ trình được vạch định rõ ràng để đạt các mục tiêu cụ thể. Chúng được xem là cầu nối của doanh nghiệp ở vị trí hiện tại với nơi họ muốn vươn đến trong tương lai. Nhưng để thực hiện những điều này, cá nhân/tổ chức cần nắm những điều cần biết về quản trị chiến lược để có các bước đi đúng đắn hơn.
Mục tiêu của quản trị chiến lược
Mục tiêu của quản trị chiến lược là kết quả tài chính hoặc phi tài chính mà doanh nghiệp đạt được trong một khoảng thời gian nhất định. Thông thường, trong quản trị chiến lược, mục tiêu được thực hiện dài hạn và thể hiện kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
Cấu trúc của quản trị chiến lược gồm 3 thành phần chính: mục đích, tầm nhìn, sứ mệnh.
Mục đích
Mục đích được hiểu nôm na là lý do tồn tại của một tổ chức. Có vai trò phác họa chân thực các hành động doanh nghiệp phải làm trong tương lai để đạt phương châm và mục tiêu dài hạn. Trong nhiều trường hợp, mục đích còn mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Khi được phát triển đúng cách và phù hợp, mục đích cũng góp phần chỉ đạo thiết lập mục tiêu ngắn hạn và thúc đẩy tăng năng suất hoạt động.
Đặc điểm của mục đích:
– Hướng hành động đến mục tiêu đã đề ra.
– Phân bổ trực tiếp nguồn lực hiện có.
– Xây dựng nguồn lực mới bằng cách sử dụng nguồn lực có sẵn và dự liệu trước những nhu cầu, đòi hỏi cùng các cơ hội trong tương lai.
Tầm nhìn
Tầm nhìn là lý tưởng trong tương lai của một doanh nghiệp, được xem như bản hướng dẫn giúp tổ chức quay lại đường đua nếu đi chệch hướng. Có thể nói, tầm nhìn như ước mơ và nguyện vọng của ban sáng lập trong những ngày đầu thành lập và là kim chỉ nam phát triển về sau.
Đặc điểm của tầm nhìn:
– Không mang ý nghĩa giải thích về một vấn đề bất kỳ.
– Nội dung rõ ràng và trực tiếp, ngắn gọn và dễ hiểu.
– Tuân theo các giá trị, đạo đức và văn hóa của tổ chức.
– Tầm nhìn phải thực tế, không xuất hiện những ý nghĩa phi lý.
Sứ mệnh
Khác với tầm nhìn, sứ mệnh tồn tại như một bản tuyên bố cho biết lý do ra đời của một tổ chức đi kèm với các giải thích công ty sẽ làm gì, điều gì làm họ trở nên khác biệt, lý do phục vụ khách hàng, khuôn khổ chiến lược của doanh nghiệp…
Ví dụ: Công ty A kinh doanh phần mềm, sứ mệnh của họ là xây dựng và phát triển các phần mềm thân thiện, dễ sử dụng hỗ trợ người dùng làm việc hiệu quả.
Đặc điểm chính của sử mệnh:
– Mang tính khả thi.
– Nội dung truyền tải tích cực.
– Rõ ràng như tầm nhìn.
– Khác biệt với đối thủ cạnh tranh.
– Mang tính phân tích nhưng đơn giản, ngắn gọn.
– Có khả năng truyền cảm hứng cho người sử dụng, khách hàng tiềm năng và các bên liên quan.
Xem thêm: Một vài điều cần biết về quản trị chiến lược
Lợi ích của quản trị chiến lược
Quản trị chiến lược cho phép tổ chức chủ động hơn là phản ứng với các tác động trong tương lai, giúp kiểm soát vận mệnh doanh nghiệp tốt hơn. Và dưới đây là các lợi ích mà một chiến lược thành công mang lại.
Lợi ích tài chính
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các doanh nghiệp áp dụng quản trị chiến lược có sự cải thiện đáng kể về doanh số, lợi nhuận và năng suất so với các doanh nghiệp không có các hoạt động lập kế hoạch hệ thống.
Lợi ích phi tài chính
Bên cạnh vai trò giúp công ty tránh được suy sụp về mặt tài chính, quản trị chiến lược còn mang lại nhiều lợi ích hữu hình khác như: nâng cao nhận thức về các mối đe dọa bên ngoài, nắm rõ chiến lược đối thủ cạnh tranh, tăng năng suất sử dụng nguồn lực…
Mặt khác, quản trị chiến lược còn nâng cao sự nhạy bén của tổ chức với các vấn đề xung quanh nhờ thúc đẩy tương tác của người quản lý với nhân viên. Họ chia sẻ mục tiêu, trao quyền và công nhận đóng góp lẫn nhau trong quá trình cải thiện sản phẩm, dịch vụ.
Ngoài ra, quản trị chiến lược trong kinh doanh còn mang lại các lợi ích sau:
– Hỗ trợ xác định, ưu tiên và khai thác cơ hội.
– Cung cấp cái nhìn khách quan hơn về quản lý.
– Hình thành khuôn khổ cải thiện sự phối hợp và kiểm soát hoạt động.
– Giảm thiểu tác động của những thay đổi và điều kiện bất lợi.
– Hỗ trợ ra quyết định phù hợp với mục tiêu đã thiết lập.
– Cho phép phân bổ thời gian và nguồn lực hiệu quả.
– Tạo phương thức giao tiếp nội bộ giữa các nhân viên.
– Nêu rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong tổ chức.
– Khuyến khích sáng tạo.
– Hình thành nguyên tắc, phương thức kỷ luật phù hợp.
Từ những điều cần biết về quản trị chiến lược trong bài viết có thể thấy, nếu lên kế hoạch rõ ràng cho một mục tiêu cụ thể, lợi ích tất yếu doanh nghiệp đạt được là rất nhiều.
Xem thêm: Tầm quan trọng của quản trị chiến lược trong kinh doanh