Dù bạn đang bắt đầu tại một vị trí cấp thấp và muốn thăng tiến trong sự nghiệp hay bạn đang tìm kiếm một cơ hội nghề nghiệp phù hợp, các yếu tố giúp bạn đạt được các kỳ vọng chắc chắn không thể thiếu kỹ năng lãnh đạo.
Kỹ năng lãnh đạo là gì?
Định nghĩa
Kỹ năng lãnh đạo là tập hợp các điểm mạnh của một cá nhân được thể hiện trong các hoạt động giám sát, dẫn dắt và hướng dẫn nhân viên đạt mục tiêu. Các kỹ năng lãnh đạo tiêu biểu gồm: khả năng phân quyền, truyền cảm hứng và giao tiếp tốt. Đồng thời, trung thực, tự tin, cam kết và sáng tạo cũng là các đặc điểm nhận biết nhân viên/cá nhân/quản lý sở hữu kỹ năng lãnh đạo.
Tại sao kỹ năng lãnh đạo lại quan trọng với ứng viên?
Kỹ năng lãnh đạo quan trọng đến mức nào mà tất cả nhà tuyển dụng đều tìm kiếm trên các ứng viên.
- Sự cầu tiến: người có tinh thần cầu tiến sẽ giúp doanh nghiệp phát triển xa hơn trong tương lai.Vì vậy, khi ứng tuyển vào các vị trí cấp cao, đặc biệt những ngành mang tính cạnh tranh, tiêu chí tuyển dụng không chỉ dừng lại ở mức kinh nghiệm dày dặn và có kiến thức chuyên môn, đội ngũ tuyển dụng còn đánh giá tầm nhìn của ứng viên xem có thực sự phù hợp với doanh nghiệp không.
- Thể hiện sự khác biệt: trong quá trình phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ kiểm tra các kỹ năng mềm của ứng viên và kỹ năng lãnh đạo là một trong những yếu tố được quan tâm hàng đầu. Bởi vì, một nhà lãnh đạo giỏi không chỉ có kiến thức và năng lực tạo ra kết quả công việc xuất sắc mà còn là người truyền cảm hứng cho các thành viên khác trong đội nhóm.
- Có tầm ảnh hưởng: một môi trường làm việc lành mạnh, hiệu quả và nhất quán đòi hỏi người lãnh đạo có khả năng quản lý xung đột, đưa ra quan điểm đúng đắn và xây dựng mối quan hệ làm việc nhóm chất lượng.
10 Kỹ năng lãnh đạo hàng đầu
Truyền cảm hứng
Người lãnh đạo thành công là người có thể giúp các thành viên trong nhóm đạt hiệu quả tối ưu, mở rộng tầm hiểu biết và thực hiện công việc tốt hơn mỗi ngày. Cảm hứng này không chỉ thể hiện qua lời nói, mà còn bao gồm các phần thưởng hữu hình đối với các nỗ lực đóng góp tích cực của nhóm. Thêm vào đó, cung cấp quyền tự chủ cá nhân và làm việc hiệu quả cũng là chìa khóa để duy trì động lực cao.
Giao tiếp
Giao tiếp là mấu chốt thành công của các nhà lãnh đạo vì họ liên tục chủ trì các cuộc họp, thuyết trình và liên lạc với khách hàng, đồng thời phải chia sẻ, thảo luận, giải quyết vấn đề hoặc hình thành mục tiêu với nhân viên.
Tính tích cực
Trong nhiều tình huống, sự tích cực của người quản lý là niềm động lực lớn lao giúp nhân viên vượt qua tình trạng căng thẳng. Tính tích cực được thể hiện qua sự đồng cảm, thân thiện, hạn chế lo lắng….
Phân quyền
Một nhà quản trị tài ba là người biết phân công công việc cho từng cá nhân trọng đội nhóm thay vì tự mình gánh vác hết trách nhiệm. Biết cách phân việc hiệu quả giúp nhà lãnh đạo xác định điểm mạnh yếu của từng cá nhân và góp phần tạo nên thành công của từng dự án.
Sáng tạo
Không phải lúc nào quá trình tìm ra đáp án cho một vấn đề cụ thể đều diễn ra như mong đợi, đó là lý do nhà lãnh đạo phải có tính sáng tạo trong nhiều trường hợp. Một nhà lãnh đạo/quản trị giỏi là người không ngại đi theo những con đường mới lạ.
Độ tin cậy
Nếu nhân viên không thoải mái hoặc không muốn tiếp cận nhà lãnh đạo, thì niềm tin giữa nhà lãnh đạo và nhóm đã bị phá vỡ. Khi nhân viên tin tưởng vào sự chính trực của người lãnh đạo, điều đó có lợi cho sự trung thực và trách nhiệm ở nơi làm việc.
Trách nhiệm
Sự thành công hay thất bại đều nằm trên đôi vai người lãnh đạo. Đồng nghĩa họ phải có trách nhiệm với toàn bộ kết quả của nhóm cũng như sẵn sàng nhận lỗi và tìm ra giải pháp khi được yêu cầu.
Quản lý thời gian
Trách nhiệm của nhà quản trị không chỉ dừng lại ở các mối quan hệ mà họ còn phải có cái nhìn tổng quan hơn trong công việc, bao gồm lịch trình và thời gian hoàn thành từng hạng mục. Cung cấp thời hạn thực tế, thông báo rõ ràng và hiểu nhu cầu về sự linh hoạt là rất quan trọng.
Tầm ảnh hưởng
Sự ảnh hưởng tích cực là một trong những kỹ năng giúp nhà lãnh đạo hỗ trợ đồng nghiệp và khuyến khích nhân viên tiến xa hơn trong việc.
Tính quyết đoán
Hiểu được quyết định khi nào nên đưa ra, cung cấp câu trả lời kịp thời và đảm bảo công việc không bị gián đoạn là điều bắt buộc của một nhà quản trị giỏi phải có.
Phương pháp xây dựng kỹ năng lãnh đạo
Không phải chỉ nhà quản lý hay quản trị cấp cao mới cần trau dồi kỹ năng lãnh đạo, một nhân viên bình thường với mong muốn phát triển bản thân cũng có thể xây dựng kỹ năng lãnh đạo cho riêng mình bằng các phương pháp sau:
- Chủ động: nhìn xa hơn các nhiệm vụ trong mô tả công việc. Suy nghĩ dài hạn về những gì sẽ có lợi cho bộ phận đang làm hoặc công ty. Cố gắng lên ý tưởng và cam kết thực hiện công việc vượt ra ngoài quy trình hàng ngày.
- Trách nhiệm hơn: nếu đã quá thành thục với công việc được giao, bạn có thể trao đổi với quản lý về mong muốn của bản thân như trợ giúp công việc, đảm nhận dự án mới….
- Phát triển một kỹ năng cụ thể: bạn còn nhiều thiếu sót và muốn học hỏi thêm kỹ năng mới, dù là sáng tạo hãy kỹ năng giao tiếp cũng nên lập kế hoạch rõ ràng cho lộ trình rèn luyện. Bạn có thể thực hiện bằng cách tham gia lớp học kỹ năng, nhờ sự trợ giúp từ người có chuyên môn hoặc quan sát thực tế….
Cuối cùng, nếu sở hữu các kỹ năng lãnh đạo cần thiết cho công việc cần ứng tuyển, hãy diễn đạt chúng trên CV và chuẩn bị vài tình huống dự phòng để trả lời suôn sẻ trong buổi phỏng vấn trực tiếp.