Một nhà tư vấn cho biết: “Trong những năm làm việc với trò tư vấn quản trị chiến lược tôi đã chứng kiến rất nhiều kế hoạch thất bại vì những sai sót đơn giản. Nhưng điều thú vị là rất nhiều tổ chức/doanh nghiệp dù hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nào đều có xu hướng mắc phải những sai lầm này. Sau nhiều lần gặp phải, tôi đã đúc kết ra 10 sai lầm chết người của quản trị chiến lược mà người thực hiện nên tránh”. Tham khảo bài viết dưới đây của Pi Institute để nắm rõ hơn về các lỗi này.
1. Sử dụng kế hoạch của năm trước
Hầu hết ban quản trị chiến lược đều có suy nghĩ: “Không lý gì phải lập kế hoạch một lần nữa khi năm ngoái đã áp dụng kế hoạch cũ rất thành công với lợi nhuận vượt mức dự kiến”. Tuy nhiên, ngay cả khi mục tiêu tổng quát hoàn toàn giống nhau, tổ chức vẫn cần đánh giá các mục tiêu đó trong bối cảnh rộng hơn, ngoài những điều đã được thực hiện vào năm trước. Một chiến lược được chuẩn bị kỹ lưỡng là cách tốt nhất đảm bảo doanh nghiệp không bị các nguy cơ tấn công trong tương lai.
2. Thiết lập chiến lược phức tạp
Đa số doanh nghiệp đều cho rằng một kế hoạch hoàn hảo phải dài và nhiều thông tin. Nhưng quản trị chiến lược thực tế cho thấy, kế hoạch kinh doanh hiệu quả không cần quá phức tạp, mà chúng cần được thiết lập rõ ràng, ngắn gọn và dễ hiểu. Đảm bảo các nhân viên trong tổ chức đều thực hiện tốt.
3. Chưa xác định nhu cầu khách hàng tiềm năng
Chìa khóa thành công của quản trị chiến lược là xác định rõ khách hàng tiềm năng và nhu cầu của họ. Để làm được điều này, nhà quản trị chiến lược cần trả lời các câu hỏi sau:
– Thị trường mục tiêu của doanh nghiệp ở đâu?
– Sản phẩm dành cho phân khúc khách hàng nào?
– Nhu cầu của khách hàng mục tiêu là gì?
– Sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp có thể giải quyết vấn đề nào của khách hàng?
– Làm thế nào phát triển sản phẩm/dịch vụ tốt hơn đối thủ cạnh tranh?…
4. Không tìm hiểu đối thủ cạnh tranh và xu hướng thị trường
Sau khi xác định nhu cầu khách hàng mục tiêu, người làm chiến lược cần tìm hiểu về đối thủ cạnh tranh và xu hướng phát triển sản phẩm/dịch vụ cùng phân khúc trong một năm qua. Đối thủ cạnh tranh của công ty là ai? Ai đã chuyển sang lĩnh vực này trong những năm qua? Đối thủ đã tìm kiếm và tương tác với khách hàng qua những kênh chính nào?… Ngoài ra, từ quá trình phân tích các xu hướng thị trường có thể giúp doanh nghiệp nảy sinh những sáng tạo mới cho sản phẩm tiếp theo.
Xem thêm: Những sai lầm chết người trong quản trị chiến lược
5. Thiếu ý kiến tham khảo từ các bên liên quan
Rất nhiều kế hoạch hoàn hảo gãy cánh khi vừa dạo đầu chỉ vì thiếu sự đóng góp ý kiến của các bên liên quan, điển hình nhất là người tiêu dùng – người trực tiếp sử dụng sản phẩm. Lỗi quen thuộc nhưng rất phổ biến. Cùng với đó, tại nhiều doanh nghiệp các kế hoạch được phát triển chỉ bởi một người, thậm chí là một nhà tư vấn từ bên ngoài hay đơn giản là sắc lệnh từ trên trời của đội ngũ lãnh đạo mà không có bất kỳ tham gia của nhân viên trong công ty.
Cách xử lý: Khi lập kế hoạch, nhà quản trị chiến lược hãy tham khảo ý kiến của các bộ phận chính như bán hàng, tiếp thị, tài chính… hoặc nhận phản hồi của khách hàng thông qua các phiếu trả lời câu hỏi…, sau đó bổ sung và thu thập thông tin hoàn chỉnh cho chiến lược.
6. Không hoạch định chiến lược chuyển giao
Nguồn lực hiện tại có đủ thực hiện trơn tru kế hoạch?
Để tìm đáp án, hãy quan sát và đánh giá kỹ năng, năng lực cốt lõi doanh nghiệp hiện có. Xem xét yếu tố nào còn thiếu, đưa ra quyết định nên tuyển dụng nhân tài mới lấp đầy khoảng trống hay hợp tác với đơn vị khác để thực thi chiến lược. Người làm kế hoạch cần xác định rõ những yếu tố này ngay từ đầu để các hoạch định chuyển giao dễ dàng và kế hoạch được suôn sẻ giữa các phòng ban, nguồn lực.
7. Không dự trù kinh phí
Khi tiến hành bất kỳ một kế hoạch chiến lược, tài chính là nguồn lực vững chắc cần chuẩn bị đầu tiên. Vạch ra các mục tiêu về doanh thu và lợi nhuận nhằm đảm bảo dòng tiền đủ trang trải cho các chi phí phát sinh ở thời điểm hiện tại và tương lai. Mặt khác, ban lãnh đạo và người làm quản trị chiến lược vẫn nên lên sẵn các kế hoạch tài trợ nguồn vốn trong các trường hợp cấp thiết như đầu tư vào hệ thống mới hoặc thuê nhân tài phát triển chiến lược.
8. Không theo dõi KPI
Mọi chiến lược kinh doanh đều cần những con số tại một mốc rõ ràng, chúng được đo lường bằng các dữ liệu và thông tin thực tế. Nếu không có KPI, doanh nghiệp sẽ không biết kế hoạch đang phát triển đến đâu. Do đó, tổ chức nên dành thời gian cụ thể trong tuần hoặc tháng cho hoạt động xác định chỉ số đạt được, thiết lập hệ thống và tổng quan chiến lược.
9. Thiếu cập nhật thông tin
Chúng ta đang sống trong thế kỷ XXI, nơi công nghệ phát triển như vũ bão và thông tin là vô hạn, vì vậy sẽ thật thiếu sót nếu không tìm hiểu dữ liệu và tận dụng chúng trong quản trị chiến lược. Khi mới bắt đầu, doanh nghiệp có thể cập nhật thông tin với công cụ miễn phí Google.
10. Bỏ qua công đoạn xem xét và tận dụng chiến lược cũ
Chiến lược cũ dù thành công hay thất bại đều là dữ liệu tham khảo quan trọng mà người làm quản trị chiến lược không nên bỏ qua. Nếu thành công hãy áp dụng và phát triển chúng theo chiều hướng mới. Nếu thất bại hãy xem xét, đánh giá và tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thất bại để tránh hoặc tìm cách khắc phục cho các chiến lược quản lý sau này.
Bằng cách tránh 10 sai lầm phổ biến chết người trong quản trị chiến lược này, doanh nghiệp có thể tạo ra một chiến lược kinh doanh đơn giản, hiệu quả và giá trị. Đồng thời có thể đạt được các mục tiêu hướng đến trong tương lai.
Xem thêm: Tầm quan trọng của ứng dụng quản trị chiến lược trong kinh doanh