Năm 1900, thuật ngữ “quản trị nhân sự” lần đầu tiên được nhắc đến và sau đó sử dụng rộng rãi vào những năm 1960, dùng để mô tả tổng thể những người thực hiện vai trò quản lý con người. Vì con người được xem là trung tâm, là tài sản quý giá của một tổ chức nên người thực hiện công việc này đòi hỏi phải có tầm hiểu biết rộng rãi.
Quản trị nhân sự là gì?
Quản trị nhân sự là bộ phận thực hiện các hoạt động tuyển dụng, thuê, triển khai và quản lý nhân viên của một tổ chức. Chịu trách nhiệm thiết lập, thực thi và giám sát hiệu suất các chính sách quản lý lao động của doanh nghiệp với nhân viên. Về cơ bản, mục đích của quản trị nhân sự là tối đa hóa năng suất doanh nghiệp bằng cách tối ưu hiệu quả của nhân viên.
Bộ phận nhân sự trong các tổ chức khác nhau có thể không giống nhau về quy mô, cấu trúc và tính chất công việc. Đối với doanh nghiệp nhỏ, không có gì quá ngạc nhiên nếu một người chịu trách nhiệm bao quát toàn bộ công việc quản lý lao động. Với các tổ chức lớn hơn có thể xuất hiện nhiều vai trò chuyên biệt đảm nhận các chức năng khác nhau như: tuyển dụng, quản lý người lao động, phúc lợi, lương thưởng… Mặc dù các vị trí nhân sự này được phân biệt và chuyên biệt, chức năng công việc vẫn có thể trùng lặp với nhau.
Chức năng chính của quản trị nhân sự
Quản trị nhân sự lấy con người làm trung tâm thực hiện mọi công việc, do đó họ không chỉ tham gia tìm kiếm tài năng mà còn đảm bảo nhiều quyền lợi khác cho các thành viên trong tổ chức. Và chức năng của bộ phận gồm:
– Phân tích công việc và bố trí nhân sự: đối với chức năng phân tích, nhân sự thường trao đổi với người chịu trách nhiệm chính trong công việc cần tuyển để biết được họ có các đòi hỏi và yêu cầu nào khác ngoài kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết trong ngành/công việc. Trong khi đó, bố trí nhân sự là quá trình thực tế quản lý dòng nhân sự vào, trong và ra khỏi một tổ chức. Khi phần tuyển dụng của quy trình nhân sự đã hoàn thành, việc lựa chọn sẽ được thực hiện thông qua hình thức đăng tuyển, phỏng vấn, kiểm tra portfolio, thử việc…
– Tổ chức, sử dụng, bảo trì lao động: thiết kế khuôn khổ giới hạn cho từng nhóm lao động nhằm sử dụng tối đa nguồn nhân lực của doanh nghiệp, đồng thời thiết lập hệ thống thông tin liên lạc giúp tổ chức hoạt động theo một phương thức thống nhất. Nhiệm vụ bảo trì liên quan đến quan hệ công nhân – quản lý như: làm việc với các liên đoàn lao động; xử lý các khiếu nại liên quan đến hành vi sai trái…
– Đánh giá hiệu suất: đánh giá kết quả công việc và cung cấp phản hồi đến từng nhân viên về mặt tích cực lẫn tiêu cực. Các dữ liệu đánh giá rất quan trọng vì chúng liên quan đến quá trình thăng chức, tăng lương, thưởng và trong trường hợp không đạt yêu cầu có thể bị sa thải.
– Hệ thống khen thưởng: thuộc khía cạnh quan trọng trong công cuộc quản trị nhân sự vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ và hành động của lao động. Nếu họ thực hiện tốt nhưng không có chế độ khen thưởng phù hợp, rất có thể doanh nghiệp sẽ mất một nhân tài quan trọng.
– Phát triển và đào tạo nhân viên: nghiên cứu nhu cầu đào tạo của tổ chức, khởi xướng và đánh giá các chương trình phát triển nhân viên được thực hiện nhằm giải quyết những nhu cầu nào đó.
Xem thêm: Những kiến thức về quản trị nhân sự chủ doanh nghiệp nên biết
Tầm quan trọng của quản trị nhân sự
Quản trị nhân sự giúp ban lãnh đạo tiết kiệm thời gian và tập trung hơn vào các công việc chuyên môn khác bằng cách xử lý vấn đề tuyển dụng, đào tạo và duy trì nhân viên mỗi ngày. Ngoài ra, khi có sự tham gia của người làm nhân sự, lương thưởng, cơ hội… của nhân viên được quan tâm hơn, góp phần mang đến sự hài lòng và sẵn sàng cống hiến của các nhân tài trong tổ chức.
Tuy nhiên, hệ thống quản trị nhân sự có thể dễ dàng bị lược bỏ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng đến khi tổ chức phát triển mạnh mẽ và nhân viên ngày càng đông, rất nhiều ban lãnh đạo phải vật lộn với việc quản lý và đào tạo con người.
Một điều đáng buồn khác, dù công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng, nhưng không phải lúc nào bộ phận nhân sự cũng được công nhận giá trị ngay từ ban đầu. Chỉ một vài lãnh đạo, người quản lý mới thấy được tầm quan trọng của bộ phận này.
Nhìn chung, quản trị nhân sự là một lĩnh vực đang trên đà phát triển. Các công ty ngày càng nhận ra sự khác biệt chiến lược mà một bộ phận nhân sự giỏi có thể tạo ra và đang đầu tư vào chúng một cách phù hợp. Do đó, nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngày càng tăng.
Xem thêm: Tầm quan trọng của ứng dụng phần mềm quản trị nhân sự